Nghệ An: Bảo đảm nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm
Thời gian qua do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đặc biệt là nguồn cung thực phẩm khá dồi dào nhưng nhiều sản phẩm chăn nuôi bán dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Tuy nhiên, doanh nghiệp, người chăn nuôi ở Nghệ An vẫn nỗ lực đầu tư tái đàn, tăng đàn, kỳ vọng vào thị trường sẽ khởi sắc vào mùa tiêu thụ cuối năm.
Cần thời gian để phục hồi
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đặt ra nhiều khó khăn, một số thực phẩm có nguồn cung tuy dồi dào nhưng lại ứ đọng, thiếu hụt trong khâu phân phối; chi phí thức ăn chăn nuôi và các chi phí khác tăng cao ảnh hưởng đến giá thành sản xuất... thêm đó là thị trường tiêu thụ vẫn chưa hồi phục trở lại sau thời gian các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các sản phẩm chăn nuôi không chỉ từ thịt lợn mà một số sản phẩm như thịt gia cầm, trứng gia cầm suốt thời gian qua vẫn bán dưới giá thành sản xuất. Dự báo, giá các sản phẩm chăn nuôi khó tăng cao trong thời gian tới ngay cả khi các tỉnh, thành đã hết thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động đã phục hồi thì thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa nhiều khởi sắc như mong đợi.
Các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn vẫn đầu tư tái đàn, đảm bảo nguồn cung cho thị trường Tết |
Chị Châu Thị Lương, chủ trại lợn ở xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hoà cho biết, hiện trong trại chỉ nuôi khoảng 100 con lợn, giảm gần 50% so với năm ngoái; nguyên nhân là giá thức ăn tăng cao với đầu năm, trong khi giá lợn hơi thời gian qua xuống quá thấp, cuối tháng 7, giá lợn hơi xuống quanh mốc 50.000-60.000 đồng/kg. Nhưng hiện tại chỉ còn 34.000 đồng/kg, trung bình mỗi con lợn hơi xuất chuồng sẽ lỗ hơn 1 triệu đồng. Để duy trì chăn nuôi trong thời điểm này, chi Lương buộc phải thay thế cám thực phẩm bằng một số thực phẩm khác.
Đến thời điểm này, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, lại là thời điểm cuối năm nên chị Lương mạnh dạn tái đàn thêm 30 con lợn thịt, dự kiến sẽ xuất bán vào dịp Tết nguyên đán. Chị Lương cho biết: “Hiện tại giá lợn vẫn đang thấp nhưng dễ tiêu thụ hơn trước. Tuy nhiên, đến Tết, theo dự báo giá lợn sẽ tăng. Chủ động được con giống và cũng không thể để trống chuồng mãi được nên tôi quyết định tái đàn. Bây giờ tái đàn thì sẽ có lợn thịt bán vào dịp Tết”.
Với những trang trại lớn, và hình thành tổ hợp tác chăn nuôi lợn, sau quãng thời gian giảm đàn, nay 20 hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ở xóm 1, Nghĩa Bình (Tân Kỳ) tập trung tái đàn, tăng đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Dự kiến, các hộ sẽ vào đàn khoảng 1.000 con lợn, cung ứng thị trường Tết. Ông Hoàng Văn Công - hộ chăn nuôi lợn thịt ở Nghĩa Bình cho hay, “mặc dù giá cả lợn hơi có xuống thấp, nhưng nhờ có nguồn cung ứng thức ăn ổn định nên các thành viên trong nhóm mạnh dạn tái đàn để phục vụ cho thị trường Tết. Giá lợn hơi hiện tại xuống thấp, có nơi chỉ còn 40.000 đồng/kg nên nếu không tính toán căn cơ, người nuôi dễ thua lỗ. Tuy nhiên, việc tái đàn vào thời điểm này là hợp lý khi hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi và trang trại nhỏ vẫn đang phải nuôi cầm cự lợn quá lứa, chưa có vốn tái đàn…”.
Ông Nguyễn Văn Hồng - thương lái ở TP. Vinh, chuyên kinh doanh lợn tại chợ Vinh cho biết, trong khi nguồn cung thịt lợn rất dồi dào nhưng sức mua của thị trường vẫn rất chậm. Tuy nhiên, trang trại chăn nuôi lợn của doanh nghiệp vẫn giữ nguyên tổng đàn so với trước. Dự báo thị trường những tháng cuối năm, ngay cả cao điểm tiêu thụ mùa Tết Nguyên đán 2022 cũng không lo thiếu nguồn cung lợn thịt.
Cung - cầu tiến tới cân bằng
Suốt thời gian dài giá lợn hơi đều đứng ở mức dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trang trại chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình e ngại trong tái đàn, tăng đàn, thậm chí ngưng chăn nuôi. Tuy nhiên, những tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn có kế hoạch tăng đàn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong những tháng cuối năm.
Người dân chọn mua các loại thịt lợn tại một siêu thị ở TP. Vinh |
Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất trong chăn nuôi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn hàng từ Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, hay từ các trang trại trên địa bàn vẫn đảm bảo cung cấp cho thị trường.
Theo đại diện Sở Công Thương Nghệ An, do Sở thường xuyên có khảo sát về thị trường thịt lợn nên dựa vào tình hình thực tế hiện có thì Tết này, giá thịt lợn sẽ không có biến động lớn. "Giá heo hơi nếu tăng sẽ không quá cao do sức mua bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi. Về nguồn cung, các trang trại lớn trên địa bàn đã có kinh nghiệm đối phó với dịch tả lợn châu Phi nên trại nào tồn tại sẽ tiếp tục trụ vững. Các ổ dịch mới xuất hiện gần đây chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung.
Về nguồn cung thịt lợn cho thị trường từ nay đến cuối năm, đại diện Sở Công Thương Nghệ An chia sẻ: thời gian qua, đặc biệt là từ khi xảy ra dịch Covid-19, ngành công thương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có nhiều phương án bảo đảm nguồn cung, ổn định giá thịt lợn trong điều kiện bình thường mới. Vì vậy, việc xuất hiện trở lại một số ổ dịch tả lợn châu Phi gần đây là không đáng lo và không ảnh hưởng đến nguồn cung cũng như giá cả thịt lợn trong thời gian tới.
Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, để việc tái đàn, tăng đàn thuận lợi, cung cấp số lượng lớn thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; hỗ trợ người dân trong việc áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ Tết. Người chăn nuôi cần cập nhật tình hình thị trường và căn cứ vào diễn biến dịch Covid-19 cũng như dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, từ đó cân nhắc, tính toán việc tái đàn hợp lý, tránh thua lỗ.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Nghệ An, tính đến thời điểm tháng 9/2021, tổng đàn bò toàn tỉnh ước đạt 495.356 con: Tổng đàn lợn ước đạt 916.522 con; Tổng đàn gia cầm ước đạt 29.502 nghìn con. Hiện đang là những tháng cuối năm, các hộ chăn nuôi, các địa phương đang tập trung tái đàn, tăng đàn để cung ứng thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán. Như vậy, nguồn cung các loại thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm của Nghệ An trong những tháng cuối năm vẫn dồi dào.
Hoàng Trinh - Đức Thảo