Lý do quy mô chăn nuôi bò thịt giảm?

Nhu cầu tiêu dùng thịt bò ngày càng tăng, sản lượng bò từ chăn nuôi trong nước chưa đáp ứng đủ nhưng quy mô đàn bò thịt đang có xu hướng giảm vì nhiều lý do.

Nhu cầu tiêu dùng thịt bò ngày càng tăng, sản lượng bò từ chăn nuôi trong nước chưa đáp ứng đủ nhưng quy mô đàn bò thịt đang có xu hướng giảm vì nhiều lý do.

Hội thảo Phát triển chăn nuôi bò sữa trong tình hình mới theo hướng giảm phát thải. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

 

Đây là nội dung được nhiều đại biểu chia sẻ tại Hội thảo Phát triển chăn nuôi bò thịt trong tình hình mới theo hướng giảm phát thải do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 1/11.

 

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam đang từng bước xây dựng vị thế với quy mô đàn lợn, gia cầm ở top đầu thế giới. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng của hơn 100 triệu dân còn hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, với đàn bò thịt thì gần đây quy mô có xu hướng giảm dù nhu cầu tiêu dùng tăng.

 

Mỗi năm sản lượng bò chăn nuôi trong nước đạt khoảng 500.000 tấn, chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Dù đã nhập khẩu thì mức tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang rất thấp so với các quốc gia khác.

 

Chiến lược phát triển chăn nuôi đặt mục tiêu nâng tỷ trọng thịt bò đạt 9 -10% trong tổng sản lượng (trên 8 triệu tấn) thịt các loại, hiện nay chỉ mới đạt 5 – 6%. Do đó, dư địa thị trường để phát triển ngành chăn nuôi bò thịt còn rất lớn, bao gồm các khâu từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, giết mổ, chế biến.

 

Theo ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chăn nuôi bò là nghề truyền thống của người nông dân Việt Nam, không những cung cấp thịt, sức kéo, phân bón mà còn cung cấp nguyên liệu cho một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Bò thịt cũng được nuôi rộng rãi ở các vùng địa lý khác nhau, từ trung du miền núi đến đồng bằng châu thổ. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm quy mô đàn bò thịt của Việt Nam giảm 0,2%/năm, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5,9 triệu con.

 

Về tiêu thụ, những năm gần đây, thói quen tiêu dùng thịt của người dân đã có xu hướng thay đổi, tăng tỷ trọng thịt bò (tăng trung bình 3,3%/năm) thịt gia cầm 8,4%/năm và giảm tiêu thụ thịt lợn. Sản lượng thịt bò nuôi trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 45.300 tấn thịt và phụ phẩm thịt từ bò, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, 3 thị trường cung ứng thịt và phụ phẩm thịt từ bò lớn nhất cho Việt Nam kể từ đầu năm lần lượt là Australia (66%), Canada (17%) và Mỹ (8%).

 

Theo ông Phạm Kim Đăng, xu hướng chăn nuôi bò thịt trên thế giới đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ dựa trên công nghệ và yêu cầu của thị trường như: sử dụng công nghệ quản lý và giám sát đàn bò, thức ăn chăn nuôi có công thức tối ưu giảm phát thải, chăn nuôi bò hữu cơ và nuôi cỏ tự nhiên, tăng cường lai tạo các giống bò thịt có năng suất cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quản lý đàn bò, phát triển hệ thống xử lý chất thải và năng lượng tái tạo trong chăn nuôi. Các xu hướng này nhằm hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng thịt, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi.

 

Tại Việt Nam, trên 90% số lượng bò thịt được nuôi theo phương thức nhỏ, phân tán trong các nông hộ, tập quán chăn nuôi cũ. Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi bò chủ yếu vẫn là tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp và chăn thả tự nhiên; trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh chưa được ứng dụng rộng rãi. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao.

 

Tại Việt Nam, trên 90% số lượng bò thịt được nuôi theo phương thức nhỏ, phân tán trong các nông hộ, tập quán chăn nuôi cũ. Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi bò chủ yếu vẫn là tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp và chăn thả tự nhiên; trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh chưa được ứng dụng rộng rãi. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
 

Bên cạnh đó, mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt còn hạn chế. Hầu hết, bò thịt được bán cho thương lái khi đến tuổi giết thịt. Các chuỗi giá trị trong chăn nuôi bò có quá nhiều khâu trung gian làm giảm khả năng cạnh tranh của từng tác nhân nói riêng và toàn chuỗi giá trị nói chung; các sản phẩm chăn nuôi bò luôn bị thương lái ép giá. Do vậy, giá cả sản phẩm này bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường, dịch bệnh.

 

Ông Đặng Thái Nhị, Tổng giám đốc Công ty Sao Đỏ chia sẻ, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào phát triển trang trại nuôi 3.000 bò thịt tại Đắk Lắk nhưng năm nào thuận lợi thì hòa vốn, còn lại lỗ. Nhu cầu thịt bò rất lớn, các thương lái đến tận trang trại mua nhưng không thể bán được giá cao bởi cạnh tranh với thịt bò nhập khẩu (cả chính ngạch và nhập lậu).

 

Theo ông Đặng Thái Nhị, hiện nay các vùng nuôi bò không có quy hoạch đất trồng cỏ, công ty phải mua cây bắp non và dự trữ thức ăn quanh năm vì vậy cần nguồn vốn lớn. Thêm vào đó, để có chất lượng thịt bò tốt, doanh nghiệp cũng phải đầu tư mua giống bò ngoại về lai tạo, thực hiện quy trình chăn nuôi tốt dẫn đến giá thành sản xuất cao. Trong khi đó, thịt bò nhập khẩu có giá thấp hơn nhiều.

 

Đại diện một doanh nghiệp đầu tư nuôi bò ở Đồng Nai cũng cho biết, dự án nuôi bò thịt của công ty có quy mô dự kiến lên đến 12.500 con, nhưng sau hơn 3 năm triển khai công ty chỉ có trên 1.500 con. Lý do công ty không thể mở rộng quy mô vì càng đầu tư lớn càng lỗ. Qua khảo sát một số địa phương, nhiều nơi người dân nuôi bò cũng đã “treo chuồng” vì chi phí nuôi cao trong khi giá bò thịt bán ra khá bấp bênh, không cạnh tranh được với thịt bò đông lạnh nhập khẩu.

 

Các doanh nghiệp cho rằng, chăn nuôi bò thịt và tái đàn không khó. Tuy nhiên, làm thế nào để thịt bò trong nước cạnh tranh được với thịt bò nhập khẩu là bài toán cần giải sớm. Ngoài việc ứng dụng các công nghệ, khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tăng năng suất, chất lượng đàn bò trong nước; các cơ quan quản lý cần có giải pháp kiểm soát hoạt động nhập khẩu (bò sống và thịt đông lạnh), nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, chất lượng thực phẩm và cạnh tranh công bằng cho người chăn nuôi trong nước.

 

Xuân Anh/TTXVN

Lượt xem: 4
Nguồn:nhachannuoi.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật