Hà Tĩnh: Gần 80% trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn thiếu giấy phép môi trường

Giấy phép môi trường là thủ tục bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, thế nhưng, hiện nay, gần 80% trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Hà Tĩnh lại thiếu giấy phép quan trọng này.

Nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn thiếu giấy phép môi trường

Công ty CP Chăn nuôi Mitraco là một trong những cơ sở chăn nuôi lợn đầu tiên của tỉnh được cấp giấy phép môi trường (GPMT) cho 2 cơ sở chăn nuôi gồm Trung tâm Sản xuất lợn giống tại huyện Kỳ Anh (cấp năm 2022) và trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc (cấp năm 2024).

Công ty CP Chăn nuôi Mitraco đầu tư nguồn lực để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.

 

Ông Hồ Sỹ Huy Thảo – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco cho biết: “Để sở hữu được “tấm lệnh bài” quan trọng này, doanh nghiệp đã phải đầu tư hàng tỷ đồng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; thực hiện điều chỉnh lại quy hoạch khớp với thực tế như hồ xử lý nước thải, bể chứa, hệ thống chuồng nuôi…”.

 

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, GPMT là một trong những loại thủ tục quan trọng, bắt buộc trong quá trình thực hiện chăn nuôi lợn quy mô lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng trang trại quy mô lớn tại Hà Tĩnh được cấp GPMT như của Công ty CP Chăn nuôi Mitraco vẫn còn hạn chế.

 

Theo đó, hiện nay, Hà Tĩnh có 80 cơ sở chăn nuôi lợn đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (quy mô chăn nuôi gia súc trên 500 con thì đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Phụ lục II, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP – P.V). Các cơ sở này đều thuộc nhóm đối tượng cần phải thực hiện cấp GPMT theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có 16/80 cơ sở được cấp GPMT hoặc giấy phép xả thải (được xem là GPMT thành phần), đạt tỷ lệ 20%.

 

Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt GPMT còn chậm bởi hiện trạng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường tại các cơ sở hầu như chưa đảm bảo, không đồng bộ, không đúng quy trình kỹ thuật như: hồ xử lý nước thải chưa được lót bạt chống thấm; hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo, vận hành bể biogas không hiệu quả… Như vậy, các cơ sở chăn nuôi cần phải có thời gian để xây dựng bổ sung hoặc cải tạo đảm bảo theo quy định, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải phải đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường mới đủ điều kiện được cấp GPMT theo quy định.

 

Cùng với đó, tại nhiều cơ sở không có nhân viên phụ trách môi trường, chỉ có cán bộ hành chính kiêm nhiệm nên việc thực hiện thủ tục, hồ sơ theo quy định còn khó khăn. Ngoài ra, ý thức về thực hiện hồ sơ, thủ tục về môi trường đảm bảo theo đúng quy định của một số chủ cơ sở, doanh nghiệp vẫn chưa cao dù đã được thông tin, tập huấn.

 

Thời gian qua, nhiều cơ sở chăn nuôi đã bị “tuýt còi” vì vi phạm các quy định liên quan đến môi trường. Vào tháng 8/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Quyết định số 1867/QĐ-XPHC xử phạt trang trại chăn nuôi lợn của ông Phan Công Vũ (xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh) gần 285 triệu đồng vì không có GPMT, gây ô nhiễm nguồn nước mặt vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật 10 lần trở lên.

 

Cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

 

Hà Tĩnh mới chỉ có 16/80 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn được cấp GPMT hoặc giấy phép xả thải (được xem là GPMT thành phần), đạt tỷ lệ 20%.

 

Chia sẻ về khó khăn trong quá trình thực hiện cấp GPMT, ông N.T.L – chủ trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Hương Khê cho hay: “Cơ sở đang nuôi liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với quy mô gần 1.000 con lợn thịt. Tôi có tìm hiểu thì các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường trong GPMT cao hơn nhiều so với báo cáo đánh giá tác động môi trường nên quá trình làm hồ sơ thủ tục đạt tiêu chuẩn khi kiểm nghiệm, đánh giá cũng phức tạp hơn nhiều. Trang trại đã phải thuê đơn vị tư vấn hỗ trợ nhưng vẫn vướng mắc một số vấn đề liên quan đến hệ thống xử lý chất thải nên chưa thể hoàn thành được thủ tục để xin cấp GPMT”.

 

Còn ông T.X.B – chủ cơ sở chăn nuôi lợn đang trên hành trình xin cấp GPMT cho biết: “Để được cấp GPMT cần thực hiện nhiều công đoạn, hồ sơ, báo cáo các loại. Đặc biệt, hệ thống nước thải phải đạt tiêu chuẩn; các hồ, bể, chuồng ở vị trí nào, khoảng cách bao nhiêu đều cần đúng quy hoạch đã lập 100%. Dù cơ sở muốn thực hiện đúng quy định nhưng cũng còn nhiều vướng mắc về hồ sơ, quy định, cần sự hướng dẫn của các cấp, ngành nhằm đảm bảo hồ sơ phù hợp với yêu cầu của luật”.

 

Trong quá trình thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, thời gian tới đây, nhiều cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp, HTX tại Hà Tĩnh đang và sẽ có nhu cầu xin cấp GPMT. Từ hiện trạng thực tế và các khó khăn trong quá trình cấp GPMT, các cơ sở đang cần thêm sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền các cấp để hoàn thành thủ tục quan trọng này.

 

Thời gian qua, Công ty TNHH Môi trường Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) là một trong những đơn vị tư vấn cho nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn tại các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà… để thực hiện cấp GPMT.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Tú – Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Hà Tĩnh, thực trạng phổ biến là hầu hết các trang trại trên địa bàn Hà Tĩnh xây dựng không đúng quy hoạch nên khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép mất nhiều thời gian, kinh phí. Cùng với đó, việc bổ sung, điều chỉnh các hạng mục công trình xử lý chất thải để hồ sơ đạt tiêu chuẩn cũng rất phức tạp. Đơn cử như Công ty CP Chăn nuôi Mitraco dù đã chuẩn bị khá kĩ lưỡng, đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải cũng phải mất khá nhiều thời gian mới được cấp GPMT cho 2 cơ sở chăn nuôi của công ty. Công ty tư vấn mong muốn nhận được sự phối hợp, đồng hành của các cấp chính quyền trong quá trình hỗ trợ các cơ sở thực hiện thủ tục quan trọng này.

 

Ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng phòng Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Thời gian qua, Sở TN&MT đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường gửi các chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh (trong đó có các trang trại chăn nuôi lợn). Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 4916/UBND-NL về việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn.

 

Sở TN&MT sẽ tập trung rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các trang trại chăn nuôi lợn đã được phê duyệt báo cáo tác động môi trường trên địa bàn thực hiện việc đề xuất cấp GPMT; tăng cường kiểm soát công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường tại các cơ sở chăn nuôi lợn do UBND tỉnh phê duyệt báo cáo tác động môi trường hoặc GPMT, nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.

 

Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và các văn bản pháp lý về quản lý bảo vệ môi trường cho các cán bộ địa phương cũng như các cơ sở chăn nuôi để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường; chú trọng hướng dẫn thực hiện đúng, đầy đủ các hồ sơ, thủ tục về môi trường tại các cơ sở”.

 

Tác giả: Thái Oanh

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường.

 

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đối tượng phải có giấy phép môi trường như sau:

 

– Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III (xem tại đây) có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

 

– Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

 

– Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thuộc trường hợp dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công được miễn giấy phép môi trường.

 

Theo đó, các cơ sở chăn nuôi lợn có công suất từ 100 đơn vị vật nuôi trở lên thuộc đối tượng dự án nhóm I, nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường đều phải thực hiện cấp GPMT.

 

Theo Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường quy định về thẩm quyền cấp GPMT như sau:
– Bộ TN&MT: cấp GPMT cho đối tượng được Bộ TN&MT phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; đối tượng nằm trên 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

– UBND cấp tỉnh: cấp GPMT cho các đối tượng thuộc nhóm II và dự án nhóm III nằm trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên hoặc các đối tượng được UBND cấp tỉnh hoặc bộ, cơ quan ngang bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

– UBND cấp huyện cấp GPMT cho các đối tượng còn lại.

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật